Bút chì là vật dụng quen thuộc đối với mỗi người, tuy nhiên đã bao giờ bạn tự hỏi bút chì được làm ra từ gì, làm như thế nào chưa? Trong bài viết dưới đây, Cơ Khí Anpha – Anpha Tech sẽ đề cập chi tiết về các nguyên liệu dùng để sản xuất bút chì, các công đoạn chi tiết trong quy trình sản xuất bút chì và cách đọc các ký hiệu in trên thân bút chì. Cùng tìm hiểu với chúng tôi nhé.
Nguyên liệu chính để sản xuất bút chì là gì?
Để làm ra những cây bút chì hoàn thiện cần có các nguyên liệu sau:
Than chì là một dạng carbon tự nhiên được khai thác từ các mỏ khoáng sản. Sau khi khai thác, than chì được nghiền thành bột siêu mịn để chuẩn bị trộn với các nguyên liệu khác để làm ruột bút chì. Đây được xem là thành phần quan trọng nhất bởi nó quyết định độ đậm, nhạt của nét viết.
Bột than chì nghiền mịn hoàn toàn không có khả năng kết dính nên đất sét được sử dụng để kết dính chúng lại với nhau tạo thành ruột bút. Khi phối trộn bột than chì với đất sét, tỷ lệ giữa hai nguyên liệu này quyết định trực tiếp đến độ cứng và độ đậm nhạt của nét viết. Khi hàm lượng đất sét nhiều và than chì ít sẽ tạo ra loại ruột chì cứng, nét viết mảnh và nhạt màu. Còn khi hàm lượng đất sét ít, than chì nhiều thì ruột bút chì thành phẩm sẽ mềm và nét viết đậm màu hơn.
Gỗ được dùng để làm vỏ bút chì, là phần ta sẽ cầm nắm khi ghi chép. Trước khi dùng làm vỏ bút chì, gỗ cần được xử lý kỹ, loại bỏ độ ẩm để tránh tình trạng cong vênh, làm ruột chì bị gãy.
Ngoài một số nguyên liệu chính trên, để bút chì viết mượt mà trên giấy, một vài loại phụ gia khác như sáp ong hay một số loại dầu bôi trơn sẽ được thêm vào khi phối trộn ruột bút chì. Tùy từng thương hiệu sản xuất mà các chất phụ gia này có thể khác nhau.
Các bước chi tiết trong quy trình sản xuất bút chì
Quy trình sản xuất bút chì gồm có nhiều công đoạn từ khâu làm ruột bút, vỏ bút, lắp ráp cho đến hoàn thiện.

Bước 1: Làm ruột bút chì
Đầu tiên, bột than chì và đất sét được phối trộn cùng với nước theo một tỷ lệ nhất định để tạo thành một khối hỗn hợp dẻo và đồng nhất. Kế đến khối hỗn hợp này được đưa vào máy ép đùn để tạo ra những sợi ruột chì mảnh và có kích thước dài đồng đều.
Kế đến, những sợi ruột bút này được đưa vào lò nung để nung ở nhiệt độ khoảng 800°C. Công đoạn này sẽ loại bỏ hoàn toàn độ ẩm, nước và biến ruột bút chì thành dạng rắn, cứng cáp.
Bước 2: Gia công vỏ bút chì
Sau khi hoàn thiện phần ruột bút, kế đến là chuẩn bị phần vỏ bút chì. Gỗ đã chuẩn bị để làm vỏ bút chì sẽ được đưa vào máy để tiến hành gia công, cắt gọt thành dạng que với chiều dài bằng chiều dài của ruột bút đã chuẩn bị.
Những thanh gỗ này được khoét một đường rãnh tròn ở giữa dọc theo chiều dài, phần rãnh này có kích thước bằng 1/2 đường kính của ruột bút chì (khi cắt lát ruột chì theo chiều dọc). Mỗi thanh gỗ là ½ cây bút chì theo chiều dọc.
Công đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bút chì thành phẩm nên cần được thực hiện chính xác bằng máy móc hiện đại
Bước 3 – Lắp ráp ruột chì vào vỏ gỗ
Sau khi chuẩn bị xong phần vỏ, những chiếc ruột bút chì sẽ được đặt ngay ngắn lên phần rãnh của vỏ bút rồi cố định lại bằng keo dán chuyên dụng. Tiếp đến một lớp keo khác được phủ lên bề mặt thanh gỗ và cả ruột bút chì, rồi một thanh gỗ khác được úp phủ lên trên tạo thành một chiếc bút chì hoàn thiện với ruột chì nằm giữa hai thanh vỏ bút.
Sau khi cố định, toàn bộ khối gồm 3 thành phần gồm: ½ vỏ bút, ruột chì, ½ vỏ bút còn lại này sẽ được đưa vào máy ép thủy lực, sử dụng áp suất cao để ép chặt hai nửa vỏ bút lại với nhau tạo thành một khối duy nhất.
Bước 4: Tạo hình cho bút chì

Sau khi ép bằng máy ép thủy lực xong, những khối gỗ này được đưa đến một khâu khác để cắt và tạo hình.
Ở đây, khối gỗ chứa ruột chì ban đầu sẽ được cắt gọt thành hình tròn, hình tam giác hoặc hình lục giác tùy thiết kế của từng thương hiệu sản xuất. Tuy nhiên đa phần bút chì đều được cắt gọt theo hình lục giác hạn chế tình trạng bút bị lăn khi đặt trên bàn.
Sau khi tạo hình xong, bề mặt vỏ bút chì được chà nhám để tạo độ mịn cần thiết, chuẩn bị cho khâu tiếp theo là phủ sơn lên bề mặt vỏ bút.
Bước 5: Sơn và trang trí bút chì
Khi kết thúc công đoạn chà nhám, bút chì được chuyển sang một khâu khác để phủ sơn trang trí cho lớp vỏ ngoài. Công đoạn này được thực hiện lặp đi lặp lại từ 5 – 8 lần với nhiều màu hoặc một màu tùy từng xưởng sản xuất. Mỗi một lớp sơn phủ lên vỏ bút đều trải qua quy trình sấy khô trước khi phun lớp tiếp theo.
Sau khi hoàn tất khâu sơn vỏ bút, ở lớp ngoài cùng sẽ được in logo, tên thương hiệu thông số độ cứng của bút chì (ví dụ: HB, 2B, 3B,…).
Kế đến, bút chì được đưa đến công đoạn chuốt để chuốt nhọn 1 đầu bút. Đầu còn lại sẽ được phủ sơn hoặc gắn đầu gôm.

Bước 6: Kiểm tra chất lượng và đóng gói sản phẩm
Công đoạn cuối cùng là kiểm tra chất lượng bút chì lần cuối trước khi đóng gói. Mỗi lô bút sẽ lấy ra ngẫu nhiên vài chiếc để kiểm tra nét mực, độ đậm nhạt, độ mềm của ruột chì,… Sau khi kiểm tra xong, bút đạt chất lượng sẽ sẵn sàng để đóng gói vào hộp.
Bút chì được đóng gói vào hộp với số lượng phổ biến là 12 chiếc/hộp. Các hộp nhỏ này được sắp xếp vào thùng để sẵn sàng phân phối đến các cửa hàng và đưa đến tay người tiêu dùng.
Phân loại độ cứng bút chì
Độ cứng của bút chì được phân loại và ký hiệu bằng chữ H và chữ B. Mỗi ký hiệu sẽ trải dài từ 1H – 9H và 1B – 9B.

- Chữ H trong tiếng anh là Hard – chỉ độ cứng của ruột chì. Loại bút chì có ký hiệu từ 1H – 9H này cho nét viết mảnh, nhạt, lâu mòn và ít để lại than chì trên giấy. Rất phù hợp cho các bản vẽ kỹ thuật hay kiến trúc.
- Chữ B trong tiếng anh là Black – chỉ độ đen của bút chì. Loại bút có ký hiệu từ 1B – 9B này có tỷ lệ than chì cao, ruột mềm, cho nét đậm, dày và dễ bị lem. Là lựa chọn yêu thích của các họa sĩ để phác thảo và đánh bóng.
- Những cây bút có ký hiệu HB: Đây là loại bút cân bằng giữa độ cứng và độ đen, phổ biến nhất cho việc viết lách hàng ngày. Ngoài ra còn có loại bút – Fine: Là loại bút chì có thể gọt rất nhọn mà không dễ gãy, nằm giữa H và HB.
Lời kết
Qua bài viết trên, Cơ Khí Anpha Tech hy vọng bạn đã biết những cây bút chì quen thuộc được làm ra như thế nào, sử dụng những nguyên liệu gì và quy trình sản xuất bút chì gồm những công đoạn ra sao. Theo dõi trang tin tức của maydonggoi.com.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nhé.
Bài viết liên quan
Tìm Hiểu Quy Trình Sản Xuất Cá Nục Sốt Cà Đóng Hộp
Cá nục sốt cà đóng hộp là một món ăn được đông đảo người dùng...
Th5
Tìm Hiểu Chi Tiết Về Quy Trình Sản Xuất Dầu Cọ
Dầu cọ được sử dụng làm dầu ăn tại nhiều quốc gia của Châu Phi,...
Th7
Tìm Hiểu Quy Trình Sản Xuất Cà Phê Chồn Đặc Sản
Cà phê chồn là một loại thức uống đặc sản có giá trị kinh tế...
Th7